Mua xe ô tô cũ không sang tên có thể chịu những rủi ro gì?

Nhu cầu mua xe ô tô của người dân ngày càng nhiều, nhưng giá xe ô tô nhập khẩu ở Việt Nam cao ngất ngưỡng gấp 3 lần các nước trên thế giới. Vì vậy, nhiều người đã chọn giải pháp mua xe cũ giá rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều người khi mua xe không chịu sang tên đổi chủ để tránh chịu thuế. Vấn đề lách luật này sẽ gây ra những rủi ro đáng kể mà người mua xe cần lưu ý.
Theo quy định của Bộ Tài chính, mỗi lần mua bán xe cũ, người mua phải chịu một lần thuế (tương tự như đăng ký xe mới). Với mức phí đăng ký cao như hiện nay (12%), người mua xe đang tìm cách lách luật bằng những bản hợp đồng công chứng về việc ủy quyền quản lý và sử dụng xe có thời hạn.
Trong thời gian người được ủy quyền (tức người mua) có nhu cầu bán xe thì có thể nhờ lại người ủy quyền cho mình đến văn phòng công chứng “hủy ủy quyền quản lý và sử dụng” để “ủy quyền quản lý và sử dụng” cho người mua mới.
Với cách mua đi bán lại theo kiểu lách luật, trốn thuế như đã nêu ở trên, sẽ xảy ra những rủi ro không lường trước được.
Rủi ro về pháp lý khi mua xe mà không sang tên đổi chủ
Mặc dù khi mua xe cũ không sang tên đổi chủ bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đóng thuế. Tuy nhiên việc làm này về lâu dài sẽ dễ gây ra các rủi ro về pháp lý mà khả năng mất trắng sẽ rất cao nếu mua phải xe đang thế chấp, xe ăn trộm, xe gây tai nạn, xe làm giả hồ sơ…Lúc này, những chiếc xe này đã vi phạm pháp luật và khả năng thu hồi hoàn toàn.
Khi mua xe đã qua sử dụng mà không sang tên dễ mua nhầm xe không hợp pháp
Để tìm hiểu về những loại thuế phải chịu khi mua ô tô cũ tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo tại thuế ô tô đã qua sử dụng.
Không làm giấy tờ sang tên khó truy cứu trách nhiệm cho cả hai phía
Ngoài những rủi ro về mặt pháp lý, mất trắng hoàn toàn nếu như mua phải xe vi phạm pháp luật như trên, thì ngay cả mua xe chính chủ mà không sang tên vẫn xảy ra các trường hợp rủi ro khó đỡ như:
+ Nếu không sang tên bằng các hồ sơ pháp lý, dễ xảy ra tình trạng xe không rõ nguồn gốc, người mua sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Vì có những chiếc xe giá rẻ nhưng là loại xe tạm nhập tái xuất nên phải thực hiện nghĩa vụ thuế như xe mới.
+ Nếu không sang tên cả người mua và người bán đều có khả năng gặp rắc rối với những trường hợp sau:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 440 Bộ luật Dân sự quy định: “Đối với hợp đồng mua, bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác”.
Như vậy, trong khi người mua chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu thì người bán vẫn phải chịu mọi rủi ro do chiếc xe đó gây ra, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận người mua phải chịu rủi ro từ thời điểm nhận xe.
Nếu không làm giấy sang tên đổi chủ người mua và cả người bán đều khó truy cứu trách nhiệm khi xe xảy ra sự cố
+ Theo Thông tư số 01/2007 của Bộ Công an quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho tặng xe, người mua xe phải đến cơ quan đăng ký xe đang quản lý xe đó làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.
+ Theo quy định này, người mua xe có nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu. Văn bản mua, bán giữa hai bên cần ghi rõ trách nhiệm của người mua là phải chịu mọi rủi ro từ thời điểm nhận xe và khi đó, người bán sẽ không phải chịu trách nhiệm về những rủi ro phát sinh sau khi bàn giao xe cho người mua.
+ Trong trường hợp người mua xe không đi làm thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật, văn bản mua, bán giữa hai bên cũng không có chứng thực của UBND phường, xã nơi cư trú vào thời điểm thực hiện giao dịch thì không thể đề nghị UBND sở tại xác nhận lại việc người bán đã bán xe ôtô đó.
+ Ngoài ra đối với các vi phạm là chủ xe ôtô không sang tên, mức xử phạt là 1.500.000 đồng/trường hợp.
Vì vậy khi mua xe cũ cần tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý của chiếc xe mình định mua để cảnh giác với xe không có nguồn gốc rõ ràng, phương thức thanh toán cần chặt chẽ để hạn chế rủi ro cho cả người bán lẫn người mua.